LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN Quân trợ chiến (La Mã)

Tiền thân của Auxilia: Cộng hòa La-mã (đến năm 30 TCN)

Xương sống của Quân đội La-mã thời kỳ Cộng hòa là các Quân đoàn Chủ lực Legion kiểu maniple, bao gồm các đơn vị bộ binh hạng nặng được trang bị thích hợp cho cận chiến trên địa hình Bán đảo Ý, trước đó đã từng có vài lần được áp dụng trong cuộc chiến tranh Samnite (năm 343–290 TCN).[1] Mặc dù có chiến lực đáng sợ, các Quân đoàn Chủ lực này vẫn có một loạt các thiếu sót về tỉ lệ giữa các binh chủng, nhất là thiếu kỵ binh. Vào khoảng năm 200 TCN, một Quân đoàn Chủ lực 4,200 bộ binh chỉ có 300 kỵ binh hỗ trợ (chỉ chiếm khoảng 7% tổng quân số).[2] Khi đó, Quân đội La-mã đang áp dụng chế độ binh lính tự túc vũ khí trang bị, và những người đủ khả năng tài chính để sở hữu ngựa – tầng lớp tầng lớp equestria (kỵ sĩ) – quá ít. Thêm vào đó, các Quân đoàn còn thiếu binh chủng đánh xa như cung thủphóng thạch thủ.[3]

Vào giai đoạn này, phần lớn kỵ binh của Quân đội La-mã đến từ các đồng minh chính thức của Rome (socii), thường được gọi là các Đồng minh La-tinh. Họ và Rome lập nên Liên minh Quân sự La-mã. Đây chính là thực trạng của Quân đội La-mã cho đến cuộc Chiến tranh Thống nhất Bán đảo Ý (91-88 CN). Các đội quân đồng minh được tổ chức thành các ala (số nhiều: alae) hay các "cánh", vì họ chủ yếu được triển khai bên sườn đội hình chiến đấu của quân La-mã. Mỗi ala được chỉ huy bởi ba praefectus sociorum (số nhiều praefecti sociorum), có quân số tương đương hoặc đông hơn một chút so với các Quân đoàn Chủ lực (khoảng 4,000-5,000 người), nhưng có số lượng kỵ binh phối thuộc đông hơn gấp ba lần: 900 người. Thời kỳ trước Chiến tranh Thống nhất Bán đảo Ý, với 75% kỵ binh đến từ các Đồng minh La-tinh, tổng quân số kỵ binh trong Quân đội La-mã chiếm 12% tổng binh lực (2,400 kỵ binh trong tổng số 20,000 quân) – đông hơn nhiều so với bất cứ đội quân nào trên Bán đảo Ý, nhưng thấp hơn tỷ lệ 21% của thời kỳ Nguyên thủ.[4][5]

Quân đội La-mã có đủ số lượng kỵ binh cần thiết để đối đầu với các thành bang khác trên Bán đảo Ý, vốn có cùng khó khăn về kỵ binh. Nhưng khi họ phải đương đầu với những đối thủ bên ngoài, mà có thể huy động những đơn vị kỵ binh đông đảo hơn nhiều lần, như người Gaul và người Carthage, sự thiếu thốn kỵ binh trở thành một nhược điểm chí mạng. Đây là lý do dẫn họ đến những thảm bại trong Chiến tranh Punic lần thứ hai (218-202 TCN). Những chiến thắng lớn của tướng Hannibal tại TrebiaCannae có thể ghi nhận cho lực lượng kỵ binh đông đảo của ông, bao gồm kỵ binh hạng nặng đến từ Gaul và Tây Ban Nha áp đảo kỵ binh La-mã về số lượng, và kỵ binh hạng nhẹ từ Numidia vô cùng nhanh, vô cùng cơ động mà người La-mã thiếu trắng.[6] Chiến thắng quyết định của phía La-mã trong trận Zama (năm 202 TCN) có sự đóng góp rất lớn của kị binh Numidia do vua Massinissa cho mượn. Trong trận này, 2/3 kỵ binh phía La-mã là kị binh Numidia.[7] Kể từ đó, Quân đội La-mã thường xuyên duy trì một lượng lớn kỵ binh đến từ bên ngoài Bán đảo Ý: kỵ binh hạng nhẹ Numidia và sau này là kỵ binh hạng nặng đến từ Gaul. Ví dụ như Julius Caesar phần lớn phải dựa vào kị binh Gaul và Đức để thực hiện cuộc chinh phục xứ Gaul (năm 58–51 TCN).[8]

Khi tầm quan trọng của kỵ binh ngoại quốc tăng lên, kỵ binh La-tinh dần trở nên mờ nhạt và dần biến mất. Sau cuộc Chiến tranh Thống nhất Bán đảo Ý, toàn bộ kỵ binh La-tinh được trao quyền công dân La-mã, các ala đồng minh La-tinh bị giải tán và binh lính được phân vào các Quân đoàn Chủ lực.[9] Khi tầng lớp equestria không còn được tuyển mộ làm kỵ binh nữa, các Quân đoàn Chủ lực mất đi lực lượng kỵ binh vốn đã ít ỏi.[10] Một đội kỵ binh nhỏ 120 người được tái phiên chế cho mỗi Quân đoàn vào vương triều Augustus sau này.[11]

Với kinh nghiệm có được trong cuộc Chiến tranh Punic lần thứ hai, người La-mã đã tăng cường quân số các binh chủng chuyên biệt đến từ bên ngoài Bán đảo Ý. Sử gia La-mã Livy viết rằng vua Hiero II của đảo quốc Syracuse đề nghị cung cấp cho La-mã cung thủ và phóng thạch thủ vào năm 217 TCN.[12] Các đơn vị này được thuê như lính đánh thuê kể từ năm 200 TCN, bao gồm cung thủ từ đảo Crete, và phóng thạch thủ đến từ quần đảo Baleares. Họ thường xuyên phối thuộc với các Quân đội La-mã trong các chiến dịch trên khắp Địa Trung Hải.[13]

Các nguồn cung nhân lực khác trong giai đoạn Cộng hòa thời kỳ sau bao gồm các vùng đất bị sáp nhập, các thành bang đồng minh và các thuộc địa (các quốc gia vệ tinh của Rome). Các đội quân này được chỉ huy bởi người bản xứ, tổ chức phiên chế do tự họ quyết định. Các đơn vị này từ cách ăn mặc đến trang bị vũ khí đều rất tự phát. Họ được thành lập lâm thời cho từng chiến dịch và bị giải tán ngay sau đó, như các ala Đồng minh La-tinh trước đây.[14]

Thành lập Quân chủng Auxilia dưới triều đại Augustus (năm 30 TCN – 14 CN)

Khi cuộc nội chiến trên Bán đảo Ý kết thúc (năm 31 TCN), không phải toàn bộ các đơn vị đánh thuê đều bị giải tán. Một số đơn vị giàu kinh nghiệm chiến đấu nhất được giữ lại để hỗ trợ các Quân đoàn Chủ lực, và trở thành nền tảng của quân chủng Auxilia thường trực dưới vương triều Julio-Claudian.[15] Đầu triều đại Augustus (từ năm 27 TCN trở đi), các Lữ đoàn Auxilia chính quy được thành lập. Auxilia là hậu duệ của các ala Đồng minh La-tinh dưới thời Cộng hòa La-mã trước Chiến tranh Thống nhất Bán đảo Ý. Tuy nhiên, khác với các ala Đồng minh hay lực lượng đánh thuê nước ngoài, binh lính Auxilia là các quân nhân chuyên nghiệp phục vụ có thời hạn chính thức, trong các đơn vị chính quy, và được tuyển mộ theo nguyên tắc tình nghuyện như binh lính Chủ lực Legion.[8] Mặt khác, họ chủ yếu xuất thân từ tầng lớp hạng hai trong xã hội: peregrini – những người tự do nhưng không có quyền công dân La-mã, ở các vùng đất bị chinh phục và sáp nhập vào bản đồ Đế chế. Tầng lớp này chiếm một phần rất lớn dân số Đế chế trong thế kỷ thứ nhất và thứ hai (90% dân số vào thế kỷ thứ nhất). Ngoài ra, Auxilia còn tiếp nhận cả những người bán khai bên ngoài lãnh thổ Đế chế, những người barbari. Điều này tương phản với Quân chủng Chủ lực vốn chỉ chấp nhận công dân La-mã.

Tổ chức phiên chế của Auxilia tương tự như của Quân chủng Chủ lực, nhưng có binh chủng kỵ binh đông đảo hơn. Hoàng đế Augustus không tổ chức Auxilia thành các đơn vị tương đương Quân đoàn Chủ lực như các ala Đồng minh La-tinh, mà phân ra thành các đơn vị cấp Lữ đoàn vì tính cơ động vượt trội so với các Quân đoàn Chủ lực. Các Lữ đoàn Auxilia được chia thành ba loại: Ala Auxilia (Lữ đoàn Kỵ binh), cohors peditata (Lữ đoàn Bộ binh) và cohors equitata (Lữ đoàn kỵ bộ binh hỗn hợp).[16]Phiên chế tổ chức của Auxilia thời Augustus không có nhiều tư liệu lưu lại, nhưng đáng tin cậy nhất là thuộc về niên đại thế kỷ thứ hai sau này. Có lẽ đến thời điểm đó, phiên chế đã qua ít nhất một lần thay đổi. Phiên chế của các cohors Auxilia gần giống phiên chế của cohors Bộ binh Chủ lực, ví dụ như do 6 centuria 80 người hợp thành.[17] Các ala được phân thành các đơn vị nhỏ hơn gọi là turma (kỵ đội) 32 kỵ binh. Mỗi turma do một sĩ quan gọi là decurio chỉ huy.[18] Trước đó vào thời Cộng hòa La-mã, mỗi decurio chỉ huy 10 kỵ binh, và ta có thể dịch sang tiếng Việt là "thập kỵ trưởng".[18] Cohors equitata thì đơn giản là một cohors bộ binh có thành phần kỵ binh chính thức trong phiên chế (4 turma).[19]

Mỗi Lữ đoàn được chỉ huy bởi một praefectus, có thể là một quý tộc bản địa được trao quyền công dân La-mã để thực hiện chức trách (như chỉ huy quân sự người Đức Arminius, được trao quyền công dân để làm một praefectus trước khi phản bội Roma), hoặc một công dân La-mã, có thể thuộc tầng lớp equestria hoặc là một centurio cấp cao.[20]

Vào thời kỳ đầu vương triều Augustus, các Lữ đoàn Auxilia ở phía Tây Đế chế được thành lập từ các chiến binh bộ tộc xứ Gauls (đặc biệt là ở các tỉnh Gallia Belgica, về sau gồm cả các tỉnh sẽ phân tách thành HạThượng Germania) và xứ Illyria (các tỉnh DalmatiaIllyricum). Năm 19 TCN, các cuộc chiến tại các tỉnh CantabriaAsturia kết thúc, dẫn đến sự sáp nhập miền Bắc Hispania và vùng Lusitania (thuộc bán đảo Iberia) vào bản đồ Đế chế. Tên tuổi của các Lữ đoàn được thành lập tại đây làm cho chúng không lâu sau đó trở thành nguồn cung nhân lực cho Auxilia. Tiếp đến, các vùng đất dọc theo sông Danube bị sáp nhập: Noricum (năm 16 TCN), Raetia (năm 15 TCN), Pannonia (năm 9 TCN) và Moesia (năm 6 CN). Các tỉnh này cùng với Illyricum trở thành khu vực tuyển mộ quan trọng bậc nhất cho Auxilia trong suốt thời kỳ Principate.

Ở phía Đông, nơi Syria vẫn thường xuyên cung cấp phần lớn cung thủ cho Đế chế, Augustus sáp nhập các tỉnh GalatiaJudaea trên cao nguyên Anatolia vào bản đồ Đế chế.

Bắc Phi: Ai Cập, Cyrene và Numidia (năm 25 CN) đều trở thành các vùng đất thuộc Rome. Xứ Numidia cung cấp cho Quân đội La-mã các đơn vị kỵ binh hạng nhẹ Mauri (equites Maurorum) rất quý giá. Kỵ binh Mauri đã từng chiến đấu bên cạnh Quân đội La-mã trong suốt hai thế kỷ trước đó, giờ được tuyển mộ vào các đơn vị Auxilia chính quy. Thậm chí còn có nhiều đơn vị kỵ binh Mauri được thành lập hơn khi vùng đất cuối cùng của người Mauri bị Hoàng đế Claudius chinh phục năm 44 CN.[21]

Auxilia mở rộng lực lượng trong suốt thời kỳ Augustus, với một số lượng lớn đầu đơn vị liên tiếp được thành lập. Năm 23 CN, sử gia La-mã Tacitus ghi lại rằng tổng binh lực Auxilia hầu như tương đương với tổng binh lực Quân chủng Chủ lực Legion.[22] Vào thời điểm đó Đế chế có 25 Quân đoàn Chủ lực với khoảng 5,000 người mỗi Quân đoàn; Auxilia cũng có đến khoảng 125,000 quân trên tổng số khoảng 250 Lữ đoàn.[23]

Cuộc khởi nghĩa của người Illyria (năm 6-9 CN)

Xem bài Cuộc khởi nghĩa của người Illyria.

Trong thời kỳ đầu vương triều Julio-Claudian, nhiều Lữ đoàn Auxilia xuất xứ từ các tỉnh biên thùy của Đế chế được đồn trú ngay tại quê hương hoặc vùng lân cận; kể cả trong những thời kỳ nhạy cảm như cuộc chiến ở Cantabria, họ cũng chỉ được triển khai tạm thời trên mặt trận. Điều này dễ dẫn đến tác hại khôn lường. Một khi bộ tộc của họ nổi loạn chống lại Đế chế hoặc tấn công biên giới Đế chế từ bên ngoài, các Lữ đoàn Auxilia dễ dàng bị xúi dục trở giáo chống lại Đế chế. La-mã lúc đó vừa mất đi một phần lực lượng, vừa phải chống lại kẻ thù do chính mình trang bị và đào tạo đầy đủ, lại vừa mất đi ưu thế chiến thuật trước kẻ thù là các bộ tộc bán khai.[24]

Arminius là một ví dụ tiêu biểu ở cấp độ cá nhân. Sau vài năm phục vụ Quân đội La-mã trên cương vị praefectus của một Lữ đoàn Auxilia, ông ta phản bội, dùng chính kinh nghiệm chiến đấu và huấn luyện tích lũy được để chỉ huy một liên quân các bộ tộc Đức chống lại Đế chế; cuối cùng dẫn đến sự tan vỡ của ba Quân đoàn Chủ lực trong khu rừng Teutoberg năm 9 CN, buộc Hoàng đế Augustus phải từ bỏ kế hoạch chiến lược chinh phục các vùng đất xứ Germania kể từ sông Elbe (kế hoạch này không bao giờ được các Hoàng đế kế nhiệm thực hiện tiếp).[25]

Ở cấp độ tập thể, sự nguy hại thậm chí còn vượt xa hơn, như cuộc khổi nghĩa của người Illyria. Lãnh thổ cử các bộ tộc miền trung Illyria hợp thành một phần của vùng chiến lược Illyricum, vào lúc đó kéo dài tới tận Pannonia ở bờ tây sông Danube. Vùng núi Bosnia sản sinh ra những chiến binh kiên cường và có tố chất chiến đấu rất tuyệt vời. Vào lúc bình thường, nơi đây là một khu vực tuyển mộ quan trọng của Auxilia.[26] Nhưng khi mức thuế người La-mã đặt ra cao đến mức bóc lột, sự bất mãn dần gia tăng đến đỉnh điểm.[27] Năm 6 CN, vài Lữ đoàn Auxilia xuất xứ từ Dalmatae – một bộ tộc thiện chiến – được tập trung lại để chuẩn bị gia nhập đội quân của tướng Tiberius (con trai thứ của Hoàng đế Augustus) cho trận chiến với người Đức. Họ bất ngờ nổi loạn ngay tại điểm tập kết và đánh bại một Quân đoàn Chủ lực được điều đến giải tỏa.[28] Ngay sau đó một bộ tộc Illyria khác là Breuci tới tham gia cuộc khởi nghĩa với vài Lữ đoàn Auxilia. Họ tiếp chiến với đội quân La-mã thứ hai tới từ Moesia. Quân khởi nghĩa Illyria tuy thua nhưng gây thương vong nặng nề cho đối phương,[29] và sau đó lại tiếp nhận một lực lượng khổng lồ từ các bộ tộc Illyria khác. Nghĩa quân đánh chiếm tỉnh Salona rồi tràn ngập vùng duyên hải Adriatic, đánh bại thêm một đội quân La-mã nữa và nhấn chìm Bán đảo Ý trong nỗi sợ hãi về một cuộc xâm lược.[30]

Hoàng đế Augustus phải ra lệnh cho tướng Tiberius đình chỉ chiến dịch ở xứ Germania và đưa đội quân chủ lực của ông tới Illyricum.[31] Khi thấy rõ rằng chỉ đội quân của Tiberius là không đủ, Augustus buộc phải ra lệnh thành lập một đội quân thảo phạt thứ hai dưới quyền chỉ huy của Germanicus – cháu họ của Tiberius, áp dụng biện pháp trưng mua bắt buộc và giải phóng hàng chục ngàn nô lệ một lúc để có đủ quân số. Đây là lần đầu tiên kể từ sau trận Cannae hai thế kỷ trước, La-mã phải dùng đến biện pháp này.[32] Quân đội La-mã lúc đó triển khai không dưới 15 Quân đoàn Chủ lực, cùng một quân số tương đương các Lữ đoàn Auxilia.[33] Tổng binh lực lên tới 150,000 quân với ít nhất 50 Lữ đoàn Auxilia, bao gồm cả các cohors gồm toàn công dân La-mã. Đó là những người có địa vị xã hội hoặc lý lịch bị Augustus đánh giá là không đủ tiêu chuẩn để được phân vào các Sư đoàn Chủ lực: công dân La-mã là trộm cắp hoặc phạm tội hoặc nô lệ được trả tự do. Các cohors đặc thù này được mang những cái phiên hiệu có cụm từ "civium Romanorum" ("của công dân La-mã"), viết tắt là c.R.Sau cuộc khởi nghĩa của người Illyria, các cohors này vẫn được giữ lại và chuyển sang chế độ tuyển mộ binh lính bình thường, nhưng vẫn giữ danh hiệu c.R danh giá.[16][34] Thêm vào đó, lực lượng giẹp loạn chính quy được hỗ trợ bởi một lực lượng nước ngoài đông đảo đến từ vương quốc láng giềng Thrace do ông vua bù nhìn (amicus) Rhoemetalces I cho mượn.[35]

Người La-mã phải đối mặt với một cuộc chiến dai dẳng đẫm máu với kiểu chiến tranh du kích tàn bạo trên vùng núi Bosnia.[36] Họ phải mất ba năm chiến đấu ác liệt để dập tắt được cuộc khởi nghĩa được sử gia La-mã Suetonius cho là ác liệt nhất kể từ sau cuộc Chiến tranh Punic lần thứ hai trước đó hai thế kỷ.[33] Tướng Tiberius dập tắt cuộc khởi nghĩa vào năm 9 CN, vừa đúng thời điểm Arminius tiêu diệt ba Quân đoàn Chủ lực dưới quyền tướng Vaurus tại xứ Germania. Các nhân vật cấp cao của Đế chế tin rằng Arminius có thể đã thiết lập một liên minh lớn với người Illyria.[37]

Mặc cho tính nghiêm trọng của cuộc khổi nghĩa, người Iberia vẫn trở thành xương sống lực lượng của Quân đội La-mã. Vào thế kỷ thứ hai CN, với gần một nửa tổng binh lực đóng tại khu vực biên giới sông Danube, nhân lực của Auxilia cũng như của Quân chủng Chủ lực đều bị chi phối bởi binh lính người Illyria. Vào thế kỷ thứ ba, người Illyria chiếm đa số so với người Ý nắm giữ vị trí chỉ huy cấp cao: praefectus của các Lữ đoàn Auxilia và tribune militum của các Quân đoàn Chủ lực. Cuối cùng, từ năm 268 đến năm 379 CN, các Hoàng đế như DiocletianConstantinus Đại đế đều là người Illyria bị La-mã hóa từ các tỉnh Dalmatia, Thượng Moesia và Pannonia. Đây đều là những người xuất thân từ tầng lớp quý tộc vũ huân, những quân nhân xuất sắc đã cứu Đế chế khỏi nguy cơ sụp đổ trong Cuộc khủng hoảng Thế kỷ thứ Ba.[38]

Giai đoạn cuối triều đại Julio-Claudian (năm 14 – 68 CN)

Bước phát triển quan trọng của Quân chủng Auxilia được cho là xảy ra vào triều đại Claudius (năm 41 – 45 CN). Thời hạn quân ngũ ít nhất là 25 năm được áp dụng. Khi một người lính Auxilia xuất ngũ, anh ta cùng toàn bộ con cái sẽ được trao quyền công dân La-mã.[39] Dựa trên một công văn quân sự - một thẻ đồng có khắc tóm tắt về thời gian ở trong quân ngũ của người lính – mà anh ta có thể dùng để chứng minh thân phận công dân La-mã của mình.[40] Hoàng đế Claudius cũng quy định các praefectus chỉ huy các Lữ đoàn Auxilia phải là tầng lớp equestria (kỵ sĩ), như vậy cũng bao gồm cả các centurio kiêm nghiệm chức vụ đó.[39] Việc các sĩ quan chỉ huy Auxilia cùng tầng lớp xã hội với các tribunus militum của Quân Chủ lực cho thấy rõ ràng quân chủng này đã có được danh vọng cao hơn trước. Các quý tộc bản xứ đang tiếp tục chỉ huy một số Lữ đoàn, cũng được trao địa vị equestria để thực hiện chức trách. Mức lương thưởng của quân chủng cũng được tiêu chuẩn hóa vào thời kỳ này.[39]

Trang phục, vũ khí và trang bị khác của Auxilia được thống nhất tiêu chuẩn hóa vào cuối vương triều Julio-Claudian, hầu như tương tự với Quân chủ lực. Năm 68 CN, có một số khác biệt nhỏ giữa Auxilia và Quân Chủ lực về trang bị và huấn luyện, chủ yếu là quân chủng có thành phần kỵ binh tác chiến trong phiên chế, gồm cả kỵ binh hạng nặng và kỵ binh hạng nhẹ, và các binh chủng chuyên môn khác mà Quân chủ lực thiếu hoặc không có.[41]

Hoàng đế Claudius chinh phục ba vùng đất mà sau đó đã trở thành nguồn cung nhân lực quan trọng cho Auxilia: Britania (năm 43 CN), Mauretania (năm 44 CN) và Thracia (năm 46 CN). Vùng Mauretania cũng quan trọng như Illyria vì chúng là nguồn cung cấp nhân lực cho Auxilia đặc biệt về cung thủ và kỵ binh. Xứ Britania giữa thế kỷ thứ hai CN là nơi tập trung đông đảo nhất các Lữ đoàn Auxilia trên từng vùng riêng lẻ: 60 trong tổng số khoảng 400 Lữ đoàn (chiếm 15% tổng số đầu đơn vị).[4] Dưới triều đại Nero (năm 54 – 68 CN), theo một ước tính tổng binh lực quân chủng lên tới xấp xỉ 200,000 quân, bao gồm khoảng 400 Lữ đoàn.[39]

Cuộc khởi nghĩa của bộ tộc Batavi (năm 69 – 70 CN)

Xem bài Cuộc khởi nghĩa của bộ tộc Batavi.

Biên giới sông Rhine của Đế chế La-mã năm 70 CN, bao gồm cả lãnh thổ của bộ tộc Batavi ở đồng bằng sông Rhine - phần Nội Germania thuộc La-mã. Lãnh thổ của La-mã có màu tối. Quê hương của người Batavi được người La-mã gọi làInsula Batavorum, chính là tỉnh Gelderland hiện tại. Thủ phủ của họ là Noviomagus (Nijmegen) - một địa điểm chiến lược quan trọng tại khu vực không bằng phẳng thì cũng ngập nước này - trở thành nơi đặt một doanh thành của người La-mã (do Quân đoàn X Gemina đồn trú) sau cuộc Khởi nghĩa của bộ tộc Batavi. Tên đất có gốc Celt, nghĩa là "chợ mới", cho thấy bộ tộc Đức Batavi nếu không đuổi đi thì cũng đã chinh phục một bộ tộc Gauls bản địa.

Batavi là một bộ tộc Đức sinh sống tại nơi mà ngày nay là tỉnh Gelderland (Hà Lan), vào thời kỳ đó được gọi là Insula Batavorum (Đảo Batavi) vì được các nhánh sông Rhine bao bọc. Insula Batavorum thuộc vùng Nội Germania.[42] Người Batavi là những chiến binh thiện chiến, giỏi cưỡi ngựa, bơi lội và chèo thuyền. Để đáp lại sự ưu đãi bất bình thường là miễn thuế tributum (thuế đánh trực tiếp vào đất đai, nhân khẩu thường được áp dụng lên tầng lớp peregrini), họ cung cấp một số lượng nhân lực rất lớn cho quân chủng Auxilia dưới vương triều Julio-Claudian: 8 cohors và một ala.[43] Họ cũng cung cấp phần lớn binh sĩ cho đơn vị vệ binh tinh nhuệ bậc nhất của Hoàng đế Augustus: Germanni corpote custodes, phục vụ cho đến tận năm 68 CN. Binh lính người Batavi lên đến khoảng 5,000 người, nghĩa là trong suốt vương triều Julio-Claudian, có thể trên 50% nam giới Batavi đạt độ tuổi nhập ngũ đều ghi danh gia nhập quân chủng Auxilia.[44] Vì vậy, bộ tộc Batavi chỉ chiếm có 0.05% tổng dân số Đế chế (khoảng 70 triệu người năm 23 CN) đã cung cấp 4% tổng binh lực quân chủng (gấp 80 lần tỉ lệ phân chia trung bình).[45] Họ được người La-mã đánh giá là tinh nhệ trong tinh nhuệ của quân chủng Auxilia, thậm chí trong toàn quân.[46] Cả bộ binh và kỵ binh người Batavi đều sở hữu khả năng bơi vượt sông với đầy đủ vũ khí trang bị trên người.[47][48]

Julius Civilis ("Công dân Julius" – rõ ràng là tên La-tinh tự đặt khi được trao quyền công dân La-mã, không phải là tên bản xứ), là thế tử thế tập của bộ tộc Batavi và là praefectus của một cohors Auxilia người Batavi. Là một sĩ quan kỳ cựu 25 năm phục vụ Đế chế, ông đã tỏ ra xuất sắc tại xứ Britania khi cùng 8 cohors người Batavi đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chinh phục miền Nam Britania của Quân đội La-mã và cuộc đàn áp kế tiếp tại đây.[49]

Tuy nhiên, vào năm 69 CN, Civilis, các Lữ đoàn người Batavi và cả bộ tộc Batavi trở nên hoàn toàn chống đối Rome. Sau khi các Lữ đoàn người Batavi rút khỏi Britania trở về Ý năm 66 CN, Civilis và em trai ông (cũng là một praefectus) bị viên thủ hiến Nội Germania bắt giữ vì bị vu khống kích động bạo loạn. Viên tỉnh trưởng ra lệnh xử tử người em, trong khi Civilis vì là công dân La-mã nên có quyền diện kiến Hoàng đế để phân biện, bị đóng cùm áp giải về Rome cho Nero xét xử.[50] Ông được Hoàng đế Galba – vừa lật đổ Nero lên nắm quyền – tha tội, nhưng sau đó đội cận vệ hoàng gia trung thành với Nero bị giải tán. Hành động này dẫn đến sự bất mãn của vài trăm binh lính người Batavi, và đằng sau là cả bộ tộc Batavi coi đó là một sự xỉ nhục nghiêm trọng.[51] Cùng lúc đó, quan hệ giữa 8 cohors Batavi và Quân đoàn XIV Gemina (mà họ phối thuộc kể từ cuộc chinh phục xứ Britania 25 năm trước) trở nên thù địch. Sự thù địch lẫn nhau giữa người Batavi và Đế chế bất ngờ chuyển thành đối kháng trực diện bởi ít nhất hai nguyên nhân trên.[52]

Trong lúc đó, Đế chế La-mã đang trở nên hỗn loạn kể từ cuộc nội chiến đầu tiên sau trận Actium trước đó đúng một thế kỷ. Đây là Năm của Bốn Hoàng đế (năm 69 – 70 CN). Thủ hiến Nội Germania ra lệnh tăng cường binh lực, đã vô tình xúc phạm người Batavi vì cố gắng trưng binh quá định mức cho phép trong hiệp ước với người Batavi. Sự dã man và tham ô cử các Centurio huấn luyện (bao gồm cả việc tấn công tình dục đối với các thiếu niên Batavi) làm cho sự bất mãn vốn đã sâu sắc trở nên sôi trào.[53]

Civilis lúc này dẫn người của ông tạo nên một cuộc khởi nghĩa thực sự. Ban đầu ông tuyên bố ủng hộ Vespasian lên nắm quyền. Vespasian là tổng chỉ huy Quân đội La-mã ở Syria, là người mà Civilis có thể coi là bạn khi cả hai tham gia cuộc chinh phục Britania 25 năm về trước, lúc đó đang chỉ huy Quân đoàn II Augusta.[54] Nhưng cuộc khởi nghĩa sớm trở thành một cố gắng đòi độc lập.[55] Civilis khai thác thời điểm vài Quân đoàn Chủ lực rời khỏi Đồng bằng sông Rhine tham gia nội chiến, số còn ở lại đang lâm vào tình trạng thiếu quân. Thêm vào đó, các chỉ huy La-mã và binh lính của họ bị chia rẽ vì đặt lòng trung thành không thống nhất vào các vị "ứng cử viên Hoàng đế" đang tranh giành lẫn nhau.[56] Civilis nhanh chóng chiếm được sự hậu thuẫn của bộ tộc Cananefate láng diềng ruột thịt, và đến lượt họ thuyết phục thành công bộ tộc Frisii. Ban đầu quân khởi nghĩa chiếm được hai doanh thành (castra) nằm trong lãnh thổ của mình, và được một cohors của bộ tộc Tungri ngả theo.[57] Sau đó, hai Quân đoàn Chủ lực hành quân tới giải tỏa bị Civilis đánh bại khi ala kỵ binh người Batavi phối thuộc trở giáo gia nhập nghĩa quân. Thuyền đội Classis Germanica (một đội tàu nhỏ trên sông Rhine) do phần lớn là người Batavi điều khiển bị Civilis chiếm lấy.[58] Quan trọng hơn cả là 8 cohors người Batavi đóng tại Manz cùng Quân đoàn XIV Gemina nổi loạn gia nhập đội quân của ông, đánh bại một đội quân La-mã tại Bonn được triển khai để chặn đường về quê hương của họ.[59] Cho tới thời điểm đó, Civilis đã có ít nhất 12 Lữ đoàn Auxilia được huấn luyện và trang bị chính quy (khoảng 6,000 quân) cùng với lực lượng được trưng tuyển từ các bộ tộc ủng hộ đông đảo hơn nhiều.[60] Một loạt các đơn vị người Đức và Gaul được đưa đến chống lại ông đã đào ngũ tập thể khi cuộc khởi nghĩa lan ra toàn bộ phần còn lại của vùng Gallia Belgica, bao gồm các bộ tộc Tungri, LionesTreviri.[61] Civilis đã có đủ khả năng tiêu diệt hai Quân đoàn Chủ lực còn lại ở Nội Germania (Legio V Alaudaelegio XV Primigenia).[62]

Lúc này, toàn bộ phần lãnh thổ của Đế chế tại vùng đồng bằng sông Rhine và thậm chí cả xứ Gaul bị uy hiếp. Cuộc nội chiến kết thúc, Đế chế huy động một đội quân lớn gồm 8 Quân đoàn Chủ lực (năm Quân đoàn được điều động từ Bán đảo Ý, 2 từ Tây Ban Nha và một từ Britania) để đối phó với Civilis.[63] Chỉ huy trưởng của đội quân này là tướng Petillius Cerialis. Quân La-mã phải trải qua hai trận chiến ác liệt tại TrierXanten trước khi có thể tràn vào lãnh thổ của người Batavi.[64] Một hội nghị đàm phán hòa bình được tổ chức tại một hòn đảo ở đồng bằng sông Rhine.[65] Chưa tìm thấy tư liệu lịch sử nào về kết quả của cuộc đàm phán, cũng như số phận của Civilis sau đó. Nhưng xét về tình bạn giữa ông và Vespasian, người luôn dành cho ông sự tha thứ, và việc La-mã vẫn còn cần chiến binh người Batavi, xem như đó là các điều kiện để nhân từ kiểu La-mã.[66]

Petilius Cerialis mang một số đơn vị người Batavi đã được tái bổ sung qua xứ Britania và các Lữ đoàn Batavi vẫn tiếp tục phục vụ đế chế, được biệt đãi tại Britania và những nơi khác cho đến tận năm 395 CN.[67] Các đơn vị mang phiên hiệu Batavorum sau này mặc dù đã pha tạp binh lính đến từ khắp nơi trong Đế chế vẫn được coi là tinh nhuệ, được phiên chế vào nhóm đơn vị palatini như ala equite Batavi seniores (kỵ binh) hay cohors auxilium Batavi seniores (bộ binh).[68]

Vương triều Flavian (năm 69 – 96 CN)

Tập tin:Grabmal des Flavius Bassus.JPGBia mộ của Titus Flavius Bassus, con trai của Mucala, một lính kị binh dưới vương triều Flavian, Một Dansala, (thành viên của bộ tộc Thracia Dentheletae), thuộc về Ala Noricorum (xuất xứ từ bộ tộc TaurisciNoricum). Anh ta hi sinh sau 26 năm phục vụ, ở tuổi 46, không thăng tiến được. Bassus có tên La-mã là Titus Flavius, chứng minh rằng mình đã có quyền công dân La-mã sau khi phục vụ 25 năm trong Quân chủng Auxilia. Tên tự đặt có thể là của vị Hoàng đế đang tại vị lúc được trao quyền công dân. Ở trường hợp này, có thể là tên của một trong 3 vị Hoàng đế vương triều Flavian (năm 69 - 96 CN): Vespasian và hai con trai ông, TitusDomitian. Tất cả họ đều mang cùng một tên. Bố cục của tấm bia có một kị binh đâm thương vào kẻ thù (motif của anh hùng Thracia, nghĩa là Bassus là người Thracia). Niên đại: cuối thế kỷ thứ nhất. Bảo tàng La-mã - Đức (Römisch-Germanisches Museum), Köln, CHLB Đức,

Cuộc khởi nghĩa của bộ tộc Batavi được xem là nhân tố chủ yếu dẫn đến một thay đổi quan trọng trong chính sách triển khai quân chủng Auxilia của chính quyền La-mã. Nó chứng minh rằng trong những thời điểm nội chiến, khi các Quân đoàn Chủ lực rời xa khỏi nơi đóng quân tham gia cuộc tranh đoạt ngôi vị của các "ứng cử viên", thật nghuy hiểm khi để các vùng đất lại cho các Lữ đoàn Auxilia được thành lập ngay tại bản xứ quản lý. Dưới triều đại Julio-Claudian, các Lữ đoàn Auxilia chỉ thường được (chứ không phai luôn luôn) triển khai xa quê hương của họ.[8] Nhưng đến vương triều Flavian, điều này trở thành quy định bắt buộc.[24] Vì vậy vào năm 70 CN, 5 Lữ đoàn Batavi được tái bổ sung (một ala và 4 cohors) bị điều sang Britania dưới quyền của tướng Pelitius Cerialis – người đã chỉ huy quân La-mã dập tắt cuộc khởi nghĩa của Civilis rồi thâu tóm luôn chức vụ tỉnh trưởng Đảo Rhine.[69] Phần lớn các Lữ đoàn được thành lập trong thế kỷ thứ nhất đều phải đồn trú xa quê hương trong thế kỷ thứ hai, ví dụ 13 Lữ đoàn Britania trong sử sách không một Lữ đoàn nào được đồn trú tại Britania.[70] Hơn nữa, dưới triều đại Flavian có lẽ không một quý tộc địa phương nào còn được trao quyền chỉ huy các đơn vị Auxilia đồng hương nữa.[71]

Sau một thời gian đồn trú nơi đất khách quê người, một Lữ đoàn có thể bị đồng hóa khi phần lớn tân binh đến từ chính địa phương họ đồn trú, hoặc ở các vùng lân cận.[24] Các Lữ đoàn Britania vào khoảng năm 150 CN, sau gần một thế kỷ xa quê hương đã có một phần rất lớn quân số là người Illyria, ThraciaDacia. Tyu nhiên, có bằng chứng cho thấy một vài Lữ đoàn ít nhất vẫn cố gắng tiếp tục lôi kéo một ít binh lính đồng hương vào phiên chế trong suốt thế kỷ thứ hai, ví dụ như các Lữ đoàn Batavi đóng tại xứ Britania.[72]

Vương triều Flavian cũng chứng kiến sự ra đời của các Lữ đoàn có quân số gấp đôi đầu tiên, cả kỵ binh và bộ binh, với quân số trên danh nghĩa là 1,000 quân (cohors/ala milliaria) nhưng quân số thực thấp hơn nhiều (720 quân đối với một ala milliaria và 800 quân đối với một cohors milliaria).[39] Đây chính là các phiên bản Auxilia của cohors thứ Nhất trong phiên chế Quân đoàn Chủ lực cũng ra đời cùng thời điểm đó. Các đơn vị này chiếm một phần nhỏ trong tổng binh lực Auxilia: 13% số đầu đơn vị, 20% tổng quân lực vào giữa thế kỷ thứ hai.[73]

Thời kỳ Nguyên thủ giai đoạn sau (năm 97 – 284 CN)

Năm 106 CN, Hoàng đế Trajan đánh bại vương quốc Dacia dưới triều vua Decebalus, sáp nhập nó vào bản đồ Đế chế và đổi tên thành tỉnh Dacia Trajana. Đến giữa thế kỷ thứ hai, có 44 Lữ đoàn Auxilia đồn trú tại đây, chiếm khoảng 10% tổng binh lực quân chủng. Ở Britania là 60 Lữ đoàn. Cả hai vùng này cộng lại chiếm 1/4 số đầu đơn vị của quân chủng.[4]

Có sự không nhất quán về số liệu chính xác của Quân chủng Auxilia trong giai đoạn trị vì của người kế nhiệm Hoàng đế Trajan: Hoàng đế Hadrian (nắm quyền từ năm 117 – 138 CN) giữa hai nghiên cứu của các học giả J.Spauld (2000) và P.A.Holder (2003):

BINH LỰC CỦA QUÂN CHỦNG AUXILIA (giữa thế kỷ thứ hai)
Tác giảSố alaSố cohorsTổng số Lữ đoànTổng quân số kỵ binhTổng quân số bộ binhTổng binh lực
J. Spaul (2000)[74]8024732756,160124,640180,800
P. A. Holder (2003)[75]8827936774,624143,200217,624

Số liệu về người không bao gồm sĩ quan chỉ huy, mà có thể lên đến khoảng 3,500 người.

Học giả Holder tin rằng còn có thêm 14 cohors nữa được thành lập ngay trước khi Hadrian lên nắm quyền chứ không phải là trong hoặc sau đó, vẫn tồn tại dưới thời Hadrian, nâng tổng số đầu đơn vị lên 381 và tổng binh lực quân chủng lên tới 225,000 quân. Có hai nguyên nhân dẫn đến sự thiếu nhất quán giữa tai học giả:

Do dịch thuật: Về các đơn vị trùng phiên hiệu nhưng đóng quân ở những địa điểm khác nhau trong cùng một thời điểm. Học giả Spauld có khuynh hướng cẩn thận hơn khi tiếp cận và phân tích các tư liệu, và khẳng định rằng đó chỉ là các trường hợp cùng một đơn vị nhưng di chuyển bản doanh liên tục. Trong khi đó học giả Holder có khuynh hướng xem chúng như các đơn vị riêng lẻ bị đặt trùng phiên hiệu hai hoặc ba lần.

Do giả định: Về việc có ao nhiêu cohors là kỵ bộ binh hỗn hợp (equitata). Học giả Spauld chỉ chấp nhận các cohors được huấn luyện đặc thù là equitata: khoảng 40% đầu đơn vị được ghi lại trong lịch sử. Học giả Holder ước tính có ít nhất 70% số cohors có thành phần kỵ binh trong phiên chế vào đầu thế kỷ thứ hai.[76]

Thậm chí theo một ước tính trung hòa nhất, Quân chủng Auxilia vào thời điểm đó đông hơn đáng kể so với Quân chủng Chủ lực (lúc đó đang duy trì 28 Quân đoàn, mỗi Quân đoàn 5,500 quân, vị chi là 155,000 quân với chỉ 3,360 kỵ binh).

Trong nửa cuối thế kỷ thứ hai, quân đội La-mã đã trải qua thêm một lần mở rộng phiên chế lớn, với 5 Quân đoàn Chủ lực mới được thành lập (27,500 quân) nâng tổng số đầu Quân đoàn lên 33.[77] Một số lượng tương đương binh lính Auxilia (50 – 60 Lũ đoàn) cũng được chiêu mộ, có lẽ đã nâng tổng số đầu đơn vị của quân chủng lên khoảng 440 với trên 250,000 quân khi kết thúc triều đại Septimius Severus (năm 211 CN).[5]

Sự gia tăng binh lực của quân chủng Auxilia được tổng kết trong bảng dưới đây:

BINH LỰC QUÂN ĐỘI LA-MÃ (năm24–305 CN
Quân chủngTiberius
24 CN
Hadrian
~ 130 CN
S. Severus
211 CN
Khủng hoảng tk.3
~ 270 CN
Diocletian
284–305 CN
QUÂN CHỦNG CHỦ LỰC125,000[78]155,000[79]182,000[80]
QUÂN CHỦNG AUXILIA125,000[81]218,000[82]250,000[83]
VỆ BINH PRAETORIAN~~5,000[84]~10,000[85]~10,000
TỔNG BINH LỰC255,000[86]383,000[87]442,000[88]290,000?[89]390,000[90]

Các số liệu trên dựa vào quân số lý thuyết (không phải thực tế) của các đơn vị, và bao gồm cả Hải quân La-mã và lực lượng foederati người bán khai.

Trong thế kỷ thứ hai, một số kiểu loại đơn vị mới xuất hiện: numerus (số nhiều: numeri, "nhóm") và vexillatio ("bộ phận được tách ra, phân đội"), được ghi lại trong nhiều tài liệu.[91] Chưa rõ phiên chế của các đơn vị này như thế nào, nhưng có lẽ quy mô nhỏ hơn các cohors và ala chính quy vì khởi đầu của họ là một phần tách ra từ các đơn vị đó, trở thành các đơn vị độc lập sau một thời gian dài hoạt động bên ngoài. Do các kiểu loại đơn vị này được nhắc đến trong các công văn, đây có thể là một phân cấp chính thức trong phiên chế của Quân chủng Auxilia.[92] Numerus cũng là một thuật ngữ chung để chỉ các đơn vị người bán khai bên ngoài quân chủng Auxiliary chính quy.

Năm 212, sắc lệnh Antonine (constitutio Antoniniana) được Hoàng đế Caracalla ban hành, trao quyền công dân La-mã cho toàn bộ những người tự do trong Đế chế - tầng lớp peregrini – tức là phá bỏ khác biệt giai cấp giữa họ và tầng lớp công dân La-mã.[93] Tuy nhiên không thấy có bằng chứng cho thấy luật độc tuyển công dân La-Mã của Quân Chủ lực cũng bị phá bỏ lúc đó. Các Quân đoàn chỉ đơn giản là có nhiều công dân hơn để chiêu mộ. Quân chủng Auxilia lúc này chủ yếu là chiêu mộ công dân La-mã, nhưng có thể vẫn tiếp tục chiêu mộ những người bán khai (barbarus, số nhiều barbari) bên ngoài biên giới Đế chế không có quyền công dân.[94] Tuy nhiên luật độc tuyển công dân La-mã có vẻ bị bỏ qua vài lần trong thế kỷ thues ba, đến thế kỷ thứ tư thì người La-mã và người bán khai cùng phục vụ trong tất cả các đơn vị.[95]

Từ giữa đến cuối thế kỷ thứ ba, La-mã lâm vào tình trạng khốn đốn bởi các thảm họa quân sự và dịch bệnh, được biết đến với cái tên Cuộc Khủng hoảng Thế kỷ thứ Ba. Giai đoạn 251 – 271 CN, xứ Gauls, vùng núi Alps, Bán đảo Ý, vùng Balkans và phía Đông Đế chế cùng một lúc bị người Alemanni, người Samartia, người GothsĐế chế Ba-tư tràn vào liên tục.[96] Cùng lúc đó, Quân đội La-mã đang phải vật lộn với ảnh hưởng của một đại dịch đậu mùa kinh hoàng: Đại dịch Cyprian bắt đầu vào năm 251 CN và vẫn còn hoành hành tới tận năm 270 CN, khi nó cướp đi mạng sống của Hoàng đế Claudius II Gothicus. Đại dịch này nối tiếp một đại dịch trước đó không lâu: Đại dịch Antonine (sởi) cướp đi 15 – 30% tổng dân số Đế chế.[97] Quân đội La-mã bị thiệt hại nặng nề, đứng đầu danh sách thảm họa do mức độ tập trung cao giữa các cá nhân và những cuộc hành quân thường xuyên qua khắp các vùng trong Đế chế.[98] Điều này dẫn đến sự tuột dốc đáng sợ về binh lực trong toàn quân, chỉ được phục hồi lại vào cuối thế kỷ dưới triều đại Diocletian (năm 284 – 305 CN).[99]

Thiếu hụt quân số và trai tráng trong Đế chế vì cuộc khủng hoảng buộc quân chủng Auxilia phải tuyển mộ những người bán khai trên một quy mô lớn hơn nhiều lần so với trước đó. Vào đầu thế kỷ thứ tư, theo một ước tính có đến 40% binh lính chính quy là người bán khai. Trong lực lượng palatini tinh nhuệ tỉ lệ này là 3/5.[95] Tỉ lệ người nước ngoài trong quân chủng Auxilia lúc này cao hơn rẩt nhiều so với thế kỷ thứ nhất và thứ hai.[100] Lần đầu tiên trong lịch sử quân chủng, một số nhỏ các đơn vị chính quy mang những cái phiên hiệu có tên của các bộ tộc bán khai bên ngoài lãnh thổ Đế chế, như ala Sarmatarum đồn trú tại xứ Britania.[101] Có khả năng ala này là một nhánh của 5,500 kỵ binh Samartia đầu hàng được điều tới Trường thành Hadrian dưới triều đại Marcus Aurelius khoảng năm 175 CN.[102] Lữ đoàn này có lẽ là ví dụ sớm nhất cho một quá trình mới mà từ đó các đơn vị không chính quy người barbari (foederati) được chuyển đổi phiên chế thành các Lữ đoàn Auxilia chính quy. Quá trình này trở nên mạnh mẽ vào thế kỷ thứ tư. Văn bản Notitia Dignitatum – một cuốn cẩm nang độc nhất vô nhị về Quân đội của Pháp viện La-mã – liệt kê một số lượng lớn các đơn vị Auxilia chính quy mang những cái tên có nguồn gốc barbari.[103]

Thế kỷ thứ tư

Vào thế kỷ thứ tư, Quân đội La-mã trải qua một cuộc tái cơ cấu triệt để. Dưới triều đại Diocletian (năm 284 – 305 CN), đội hình truyền thống thời kỳ Nguyên thủ của các Quân đoàn Chủ lực, các ala và cohors Auxilia bị phân ra thành các đơn vị nhỏ hơn, phần nhiều trong số đó mang những phiên hiệu mới.[104] Rất có thể dưới triều đại Constantine I, binh lính đã được chia ra thành ba hạng dựa trên vai trò chiến lược và một số yêu cầu về khả năng chiến đấu:

  • Palatini: Các đơn vị tinh nhuệ thường được phiên chế vào lực lượng comitatus praesentales hay vệ binh hoàng gia, có nguồn gốc từ 9 cohors Praetoria đầy tai tiếng đã bị giải tán trước đó.[105][106]
  • Comitatenses: Quân cơ động cấp chiến dịch đóng tại các tỉnh biên giới Đế chế có nhiệm vụ đánh chặn các cuộc tấn công lớn từ bên ngoài lãnh thổ vào.[107]
  • Limitanei: Quân biên phòng bao gồm những quân nhân có khả năng chiến đấu hạng ba, đảm nhận nhiệm vụ tuần tra bảo vệ trị an biên giới, bảo vệ Roma từ xa.[108]

Các Lữ đoàn Auxilia thời kỳ trước trở thành cơ sở cho cả ba hạng quân. Văn bản Notitia Dignitatum liệt kê khoảng 70 ala và cohors còn giữ nguyên phiên hiệu đã có từ thế kỷ thứ hai đều là limitanei.[109] Dấu tích của các Lữ đoàn Auxilia còn có thể tìm thấy trong các đội quân comitatus praesentales và comitatenses, ví dụ nhiều Lữ đoàn bộ binh auxilia palatina kiểu mới, được cho là nằm trong số các đơn vị tinh nhuệ nhất toàn quân, được thành lập từ các cohors Auxilia thời kỳ trước, có phiên chế cực kỳ giống đơn vị tiền thân.[110]

Sử gia quân sự Vegetius đã ca thán rằng thanh niên thời đó thà gia nhập "auxilia" thay vì phải vào "legio" để tránh về sau phải huấn luyện và lao động gian khổ hơn.[111] Nhưng ở đây không có sự rõ ràng về loại đơn vị nào được đề cập đến. Rất có thể các thuật ngữ lỗi thời vẫn còn được sử dụng một cách tượng trưng để chỉ limitanei và comitatenses như một cách hoài niệm. Dù sao đi nữa thì lời ca thán trên không thể mô tả chính xác quân chủng Auxilia thời kỳ Nguyên thủ. Nhiều Lữ đoàn trong số đó được coi là các đơn vị rất tinh nhuệ.[16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quân trợ chiến (La Mã) http://www.romancoins.info/MilitaryDiploma.html http://www.romanlegions.info http://www.romanarmy.net/Auxilia.htm http://www.roman-britain.org http://www.roman-britain.org/military/british_coho... http://vindolanda.csad.ox.ac.uk https://archive.org/details/grandstrategyofr00lutt https://archive.org/details/imperialpossessi0000ma... https://archive.org/details/laterromanempire0001un... https://archive.org/details/romanemperorsbio0000gr...